[CÔNG LÝ] Dược phẩm Thái Minh được vinh danh vì sự phát triển dược liệu Việt
Tối 21/12/2023, tại Nhà hát lớn Hà Nội, Dược phẩm Thái Minh đã được vinh danh trong chương trình Lễ Vinh danh "Vì sự phát triển dược liệu Việt gắn với phát triển KT-XH vùng đồng bào Dân tộc thiểu số và miền núi" được tổ chức bởi Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền (Bộ Y tế) phối hợp cùng Báo Sức khỏe và Đời sống.
Tại sự kiện, Dược phẩm Thái Minh cùng sánh vai với Traphaco, Nam Dược, Tâm Bình trở thành những doanh nghiệp lớn, tiên phong trở thành cầu nối giữa người nông dân với thị trường. Từ những vùng nuôi trồng, sơ chế, bảo quản dược liệu lớn, các dự án của các doanh nghiệp như Dược phẩm Thái Minh liên tục được mở rộng, nâng công suất, góp phần xóa đói giảm nghèo cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số miền núi, đồng thời giúp dược liệu Việt Nam có điều kiện tiến mạnh ra thế giới. Đó là một phần đóng góp quan trọng của các doanh nghiệp dược liệu Việt.
Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Đức Luận trao cúp vinh danh cho ông Nguyễn Quang Thái - Chủ tịch HĐQT Dược phẩm Thái Minh
Chia sẻ tại Lễ Vinh danh, ông Nguyễn Quang Thái – Chủ tịch HĐQT Dược phẩm Thái Minh chia sẻ: “Lần đầu tiên Dược phẩm Thái Minh được vinh danh bởi Bộ Y tế trong một chương trình rất đặc biệt, mặc dù, chúng tôi đã kinh doanh trên thị trường rất nhiều năm với 75% sản phẩm có nguyên liệu là dược liệu Việt Nam. Với sự vinh danh này, chúng tôi được tiếp thêm rất nhiều động lực để tiếp tục làm tốt hơn nữa việc phát triển dược liệu Việt Nam biến thành các sản phẩm có giá trị và ý nghĩa giúp chăm sóc sức khoẻ và sắc đẹp của người Việt hướng tới việc xuất khẩu. Đồng thời, nó cũng khẳng định cho mô hình của Thái Minh về việc phát triển kinh doanh bền vững cộng với nghiên cứu, sản xuất và vùng trồng dược liệu khi mà chúng tôi đi phát triển những vùng trồng dược liệu ở những địa bàn nghèo nhất ở cả nước. Chúng tôi kỳ vọng rằng những điều chúng tôi đang làm sẽ góp phần thay đổi diện mạo ở các địa phương và hi vọng sản phẩm được mọi người đón nhận, người Việt dùng hàng Việt và nhất là phát triển từ những vùng khó khăn”.
Thành lập từ năm 2011, Dược phẩm Thái Minh hoạt động trong 4 lĩnh vực cốt lõi: Nghiên cứu và sản xuất, tiếp thị và phân phối thực phẩm chức năng, Mỹ phẩm thiên nhiên, Nông nghiệp công nghệ cao với 6 công ty con, 1 nhà máy sản xuất, 1 viện nghiên cứu cùng hơn 1000 nhân sự trên khắp cả nước.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm mô hình kinh tế khép kín với cây sâm Lai Châu của Dược phẩm Thái Minh
Tham gia nghiên cứu để đầu tư vào tỉnh Lai Châu từ tháng 2/2022, 4 tháng sau, Dược phẩm Thái Minh đã bắt đầu xây dựng vườn trồng đầu tiên của mình tại xã Sà Dề Phìn, huyện Sìn Hồ. Tại đây, doanh nghiệp xây dựng mô hình theo hướng trồng sâm trong nhà màng công nghệ cao, nhận chuyển nhượng lại toàn bộ vườn sâm từ Hợp tác xã Sâm và thảo dược Sìn Hồ.
Hiện tại, Thái Minh Farm đang sở hữu vùng trồng Sâm Lai Châu gần 2ha với hàng trăm nghìn cây sâm có tuổi đời từ 1- 6 tuổi. Đơn vị áp dụng công nghệ cao vào sản xuất: nhà màng và đất tự trộn, giúp kiểm soát 99% các yếu tố dịch bệnh, côn trùng, khí hậu, độ ẩm của cây. Trong tương lai, diện tích trồng sâm sẽ mở rộng lên gấp 10 lần thành 20ha.
“Thái Minh sẽ đưa cây sâm Lai Châu từ chỗ trồng ở dưới tán rừng thành một loại cây có thể trồng đại trà ở độ cao trên 1.500m, giảm giá thành để mọi người tiêu dùng đều có thể tiếp cận và sử dụng các sản phẩm từ loài thảo dược được coi là quốc bảo này, thay vì “định kiến” sâm chỉ dành cho người có điều kiện”, ông Nguyễn Quang Thái – Chủ tịch HĐQT công ty CP Dược phẩm Thái Minh nói.
Dược phẩm Thái Minh một trong những doanh nghiệp tiên phong phát triển cây Sâm Lai Châu và xây dựng vòng tuần hoàn kinh tế bền vững gồm 4 nhà: nhà nông - nhà nghiên cứu - nhà sản xuất - nhà phân phối. Cụ thể là Thái Minh Farm - vùng trồng ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao - Viện nghiên cứu Sâm và dược liệu Việt Nam - nhà máy sản xuất TPCN Thái Minh Hi-tech và nhà máy Mỹ phẩm Thiên nhiên Song An - Thái Minh Panax và Cỏ Mềm Homelab.
Nguồn nguyên liệu từ Thái Minh Farm sẽ cung cấp cho đầu vào của nhà máy Thái Minh Hi-tech và Nhà máy Mỹ phẩm thiên nhiên Song An. Các thành phần của cây sâm được khai thác, trở thành sản phẩm chất lượng, giá trị cho người tiêu dùng cả nước và hướng tới xuất khẩu.
Dược phẩm Thái Minh hỗ trợ bà con dân tộc về vốn, kỹ thuật, vật tư để trồng cây sâm Lai Châu
Ngay khi vùng trồng được thành lập, lãnh đạo công ty nhận định, chỉ có con đường nghiên cứu khoa học chuyên sâu mới làm gia tăng niềm tin người tiêu dùng, vừa giúp nâng tầm loại dược liệu mà trước nay vẫn được cho là quý giá. Vì thế, Viện Nghiên cứu Sâm và dược liệu Việt Nam được công ty triển khai tại khu công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội). Các nhà khoa học trong và ngoài nước sẽ thúc đẩy nghiên cứu chuyên sâu, đầy đủ về cây sâm Việt Nam.
“Chúng tôi không muốn dừng lại ở việc bán hàng bằng câu chuyện mà để phát triển bền vững, cần những minh chứng khoa học về sâm và các sản phẩm từ dược liệu này”, ông Thái chia sẻ về lối đi riêng đầy tính đột phá của Thái Minh.
Tiếp đó, 2 công ty kinh doanh là Cỏ Mềm Homelab và Thái Minh Panax đã có những sản phẩm đầu tiên ra mắt thị trường. Đó là Trà sâm Việt Nam nguyên lá và bộ Mỹ phẩm thiên nhiên Sâm 1700. Đây đều là những sản phẩm tiền đề có chứa hàm lượng chất xám cao, cũng là những sản phẩm đầu tiên giúp cho vòng tuần hoàn phát triển Sâm Lai Châu được vận hành bền vững.
Trà Sâm Lai Châu, Bộ mỹ phẩm 1700 làn những sản phẩm đầu tiên từ vùng trồng sâm Lai Châu của Dược phẩm Thái Minh
Thời gian tới, dược phẩm Thái Minh kì vọng sẽ phát triển đa dạng sản phẩm bảo vệ sức khoẻ được nuôi trồng trong điều kiện tốt nhất dành cho người tiêu dùng cả nước và hướng tới xuất khẩu trong tương lai. Đồng thời, giúp phát triển kinh tế địa phương và đưa cây sâm Lai Châu trở thành loài cây thế mạnh xứng danh với danh hiệu quốc bảo của Việt Nam.
Theo Báo Công lý